Thiên can
Thiên can là gốc, dùng để kết hợp với Địa chi là cành (ngọn) để tạo nên 60 cặp Can Chi khác nhau. Có 10 Thiên can tất cả, mỗi Thiên can có thuộc tính Âm Dương và Ngũ hành riêng. Các Thiên can phụ thuộc lẫn nhau thông qua quan hệ hợp - phá.
10 Thiên can theo thứ tự là: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Các năm âm lịch được đặt tên tuần hoàn theo thứ tự này, từ Giáp đến Quý là được 10 năm, rồi lại tiếp tục vòng mới bắt đầu từ Giáp. Đối với tháng, ngày, giờ âm lịch cũng như vậy.
Do số lượng 10 Thiên can cũng chính là số năm trong một thập niên, nên chữ số cuối cùng của năm sẽ cho ta biết năm đó ứng với Thiên can nào. Bắt đầu từ can Giáp là số 4, tức là năm nào kết thúc với số 4 như 1994, 2004, 2014, 2024... thì đều là năm Giáp. Tiếp tục như vậy sẽ tính được chữ số cuối nào của năm thì ứng với Thiên can nào, cụ thể như sau: Giáp (4), Ất (5), Bính (6), Đinh (7), Mậu (8), Kỷ (9), Canh (0), Tân (1), Nhâm (2), Quý (3).
Phần cuối bài này sẽ có Bảng Thiên can chi tiết để bạn tra cứu. Bây giờ bạn hãy tìm hiểu các thuộc tính liên quan đến mỗi Thiên can, cũng như các quan hệ hợp, khắc, phá giữa các Thiên can với nhau.
Âm Dương
Về Âm Dương, bắt đầu từ Giáp là Dương, rồi đến Ất là Âm, cứ thế xen kẽ theo thứ tự trên. Có tất cả 10 Thiên can thì được chia thành hai nhóm đều nhau: 5 dương, 5 âm.
Ngũ hành
Về Ngũ hành, mỗi Thiên can tương ứng với một hành (Kim Mộc Thủy Hỏa Thổ) riêng. Bạn hết sức lưu ý, Ngũ hành của Thiên can không phải là Ngũ hành của cặp Can-Chi. Ví dụ: Giáp hành Mộc nhưng Giáp Tý là hành Kim (mệnh Kim).
- Giáp, Ất thuộc Mộc. Giáp là Dương Mộc, Ất là Âm Mộc.
- Bính, Đinh thuộc Hỏa. Bính là Dương Hỏa, Đinh là Âm Hỏa.
- Mậu, Kỷ thuộc Thổ. Mậu là Dương Thổ, Kỷ là Âm Thổ.
- Canh, Tân thuộc Kim. Canh là Dương Kim, Tân là Âm Kim.
- Nhâm, Quý thuộc Thủy. Nhâm là Dương Thủy, Quý là Âm Thủy.
Phương hướng
- Giáp: Đông Bắc; Ất: Chính Đông.
- Bính, Đinh: Chính Nam.
- Mậu, Kỷ: Trung tâm.
- Canh, Tân: Chính Tây.
- Nhâm, Quý: Chính Bắc.
Ý nghĩa tượng trưng
Các giai đoạn tiêu biểu trong một chu kỳ sinh trưởng của thực vật được gán với 10 Thiên can, tính chất và ý nghĩa của từng giai đoạn mang lại ý nghĩa ẩn dụ cho Thiên can tương ứng. Ý nghĩa này mang tính hình ảnh, tượng trưng.
Giáp: Giáp chỉ vỏ hạt cây cỏ. Giáp nghĩa là mở, ý chỉ dấu hiệu vạn vật được tách ra, bắt nguồn sự sống.
Ất: Ất nghĩa là kéo, ý chỉ lúa non hay cây cỏ mới mọc mầm, quá trình vạn vật bắt đầu quá trình nhú mầm, sinh trưởng.
Bính: Bính chỉ nội nhiệt cung cấp năng lượng cho cây cối hay thời kỳ cây cối đâm chồi nảy lộc. Bính nghĩa là sự đột ngột, khi vạn vật bắt đầu lộ ra trên mặt đất.
Đinh: Đinh tượng trưng cho sự ổn định, mầm non bắt đầu hình thành. Đinh nghĩa là mạnh mẽ, khi vạn vật bước vào quá trình phát triển mạnh.
Mậu: Mậu nghĩa là rậm rạp, chỉ cây cỏ phát triển tốt tươi, tức là vào giai đoạn vạn vật bắt đầu xanh tốt.
Kỷ: Kỷ nghĩa là ghi nhớ, chỉ giai đoạn vạn vật bắt đầu thành hình để phân biệt được. Kỷ tượng trưng cho sự hình thành của sinh mệnh mới, sự ra hoa kết quả.
Canh: Canh nghĩa là chắc lại, khi vạn vật bắt đầu kết quả. Canh chỉ trái cây hình thành.
Tân: Tân là mới, vạn vật bước vào thời kỳ thu hoạch. Tân tượng trưng cho sự khô héo của thực vật, đồng thời quả chín bị động vật (chim, thú) ăn và phát tán hạt ra các vùng đất mới, tạo tiền đề cho sự sống của thế hệ kế tiếp.
Nhâm: Nhâm chỉ hạt trái cây được phát tán rộng rãi khắp nơi, bắt đầu chuẩn bị nảy mầm. Nhâm nghĩa là gánh vác, ý chỉ dương khí có tác dụng nuôi dưỡng vạn vật.
Quý: Quý tượng trưng cho sự vùi lấp trong bùn đất của hạt và được tưới nước. Quý nghĩa là đo, chỉ sự vật khi đã có thể đo lường được.
Thiên can tương hợp
- Giáp - Kỷ hợp nhau. Giáp dương, Kỷ âm.
- Ất - Canh hợp nhau. Ất âm, Canh dương.
- Bính - Tân hợp nhau. Bính dương, Tân âm.
- Đinh - Nhâm hợp nhau. Đinh âm, Nhâm dương.
- Mậu - Quý hợp nhau. Mậu dương, Quý âm.
Thiên can tương phá
Thiên can tương phá là những cặp Thiên can có Âm Dương đồng cực và Ngũ Hành tương khắc. Mỗi Thiên can đều có một Can khác phá nó và chính nó cũng phá một Can khác.
- Giáp phá Mậu: Theo ngũ hành, Giáp hành Mộc, Mậu hành Thổ. Mộc khắc Thổ. Theo âm dương, Giáp và Mậu đều thuộc Dương, đồng cực, mang tính triệt tiêu.
- Ất phá Kỷ: Theo ngũ hành, Ất hành Mộc, Kỷ hành Thổ. Mộc khắc Thổ. Theo âm dương, Ất và Kỷ đều thuộc Âm, đồng cực, mang tính triệt tiêu.
- Bính phá Canh: Theo ngũ hành, Bính hành Hỏa, Canh hành Kim. Hỏa khắc Kim. Theo âm dương, Bính và Canh đều thuộc Dương, đồng cực, mang tính triệt tiêu.
- Đinh phá Tân: Theo ngũ hành, Đinh hành Hỏa, Tân hành Kim. Hỏa khắc Kim. Theo âm dương, Đinh và Tân đều thuộc Âm, đồng cực, mang tính triệt tiêu.
- Mậu phá Nhâm: Theo ngũ hành, Mậu hành Thổ, Nhâm hành Thủy. Thổ khắc Thủy. Theo âm dương, Mậu và Nhâm đều thuộc Dương, đồng cực, mang tính triệt tiêu.
- Kỷ phá Quý: Theo ngũ hành, Kỷ hành Thổ, Quý hành Thủy. Thổ khắc Thủy. Theo âm dương, Kỷ và Quý đều thuộc Âm, đồng cực, mang tính triệt tiêu.
- Canh phá Giáp: Theo ngũ hành, Canh hành Kim, Giáp hành Mộc. Kim khắc Mộc. Theo âm dương, Canh và Giáp đều thuộc Dương, đồng cực, mang tính triệt tiêu.
- Tân phá Ất: Theo ngũ hành, Tân hành Kim, Ất hành Mộc. Kim khắc Mộc. Theo âm dương, Tân và Ất đều thuộc Âm, đồng cực, mang tính triệt tiêu.
- Nhâm phá Bính: Theo ngũ hành, Nhâm hành Thủy, Bính hành Hỏa. Thủy khắc Hỏa. Theo âm dương, Nhâm và Bính đều thuộc Dương, đồng cực, mang tính triệt tiêu.
- Quý phá Đinh: Theo ngũ hành, Quý hành Thủy, Đinh hành Hỏa. Thủy khắc Hỏa. Theo âm dương, Quý và Đinh đều thuộc Âm, đồng cực, mang tính triệt tiêu.
Bảng Thiên can
Can | Hành | Hợp | Khắc | Phá |
---|---|---|---|---|
Giáp (+) | Mộc+ | Kỷ | Canh | Mậu |
Ất (-) | Mộc- | Canh | Tân | Kỷ |
Bính (+) | Hỏa+ | Tân | Nhâm | Canh |
Đinh (-) | Hỏa- | Nhâm | Quý | Tân |
Mậu (+) | Thổ+ | Quý | Giáp | Nhâm |
Kỷ (-) | Thổ- | Giáp | Ất | Quý |
Canh (+) | Kim+ | Ất | Bính | Giáp |
Tân (-) | Kim- | Bính | Đinh | Ất |
Nhâm (+) | Thủy+ | Đinh | Mậu | Bính |
Quý (-) | Thủy- | Mậu | Kỷ | Đinh |